Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Điện toán đám mây và giải pháp cho doanh nghiệp



Phương thức lưu trữ truyền thống dường như bị tụt hậu trước sự tăng trưởng dữ liệu nhanh chóng và trở thành một thách thức lớn đối với mỗi doanh nghiệp. Trong khi đó, lưu trữ đám mây được coi là giải pháp hữu hiệu trong vấn đề này nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn rụt rè và không biết nên lựa chọn chiến lược nào cho “đám mây” mới là khôn ngoan nhất.




Giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp





Khó khăn trong việc lựa chọn

Theo ông Raymond Goh - Giám đốc kỹ thuật Symantec khu vực Nam Á, phụ trách mảng Thiết kế hệ thống và Dịch vụ tư vấn khách hàng - thì lưu trữ đám mây sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được thách thức lớn nhất hiện nay. Đó là việc phải hỗ trợ ngày càng nhiều các ứng dụng quan trọng cũng như thông tin phong phú đa dạng, nhưng đồng thời vẫn phải đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng dịch vụ trong phạm vi ngân sách eo hẹp. Do đó, điện toán đám mây sẽ làm thay đổi cách thức cung cấp và quản lý hệ thống lưu trữ theo kiểu truyền thống như trước đây.

Tuy khái niệm lưu trữ “đám mây” đã không còn quá mới mẻ đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nhưng vấn đề mà các doanh nghiệp đang lo lắng chính là bảo mật và chiến lược để triển khai “đám mây” (riêng, chung hay kết hợp) sẽ đem lại hiệu quả nhất.

Việc triển khai lưu trữ truyền thống thường gặp khó khăn khi doanh nghiệp muốn mở rộng hiệu năng cũng như công suất hoạt động, đồng thời gây tốn kém cho việc thực hiện và quản lý vì cấu trúc thông tin rời rạc, thiếu liên kết. Vì thế các nhà quản lý CNTT cần tìm ra một cách hữu hiệu hơn để hợp nhất và quản lý lượng dữ liệu khổng lồ trong khi vẫn phải đảm bảo hiệu năng cao.

Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức đã có một lựa chọn mới thuyết phục hơn. Đó là ngày càng nhiều tổ chức sử dụng nền tảng lưu trữ theo liên kết nhóm (clustered). Nền tảng này cho phép triển khai dịch vụ đám mây của riêng từng doanh nghiệp.

Lợi ích lưu trữ theo kiểu Clustered

Những dịch vụ này đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, chẳng hạn như chuẩn hoá doanh nghiệp, trang bị khả năng bảo vệ dữ liệu, cải tiến dữ liệu, chống virus và nhiều phương thức bảo mật khác một cách hiệu quả.

Hơn nữa, hạ tầng thông tin cách tân này sẽ mang lại cho doanh nghiệp một giải pháp có tính khả mở, hiệu năng cao, tiết kiệm chi phí và đáp ứng đầy đủ các mục tiêu lưu trữ luôn thay đổi. Khi môi trường thông tin không chỉ là những thông tin lưu trữ đơn thuần mà còn bao gồm cả dữ liệu phi cấu trúc như các tập tin đa phương tiện, các ứng dụng kinh doanh,… Điều này đòi hỏi hệ thống lưu trữ phải có độ khả mở cao để có thể thay đổi theo nhu cầu mở rộng của doanh nghiệp.

Nền tảng lưu trữ mới này có thể hỗ trợ đến hàng petabyte lưu trữ và hàng trăm triệu tệp tin. Sở dĩ như vậy là vì chúng cho phép doanh nghiệp có thể dễ dàng mở rộng quy mô lưu trữ và xử lý thông tin trực tuyến một cách độc lập và liên tục. Vì vậy, đây sẽ là một sự lựa chọn linh hoạt thay cho các kiến trúc lưu trữ phân lập truyền thống hiện nay.

Ngoài độ khả mở cao, nền tảng này còn giải quyết triệt để các vấn đề về tính sẵn sàng của dữ liệu nhờ khả năng liên kết đa chiều cho cả cấu hình dạng chủ động - chủ động (active-active) và chủ động-thụ động (active-passive); đồng thời đảm bảo rằng khối lượng công việc sẽ nhanh chóng và dễ dàng được phân phối lại trên cụm liên kết này trong trường hợp nhiều nốt bị hỏng. Do đó, nền tảng mới sẽ mang đến cho doanh nghiệp môi trường lưu trữ luôn đáp ứng 24/7 và đảm bảo hiệu năng cao khi thêm các nốt mới.

Đặc biệt, nền tảng các dịch vụ lưu trữ đám mây sẽ giúp các nhà quản lý CNTT tiết kiệm đáng kể chi phí, chẳng hạn như việc triển khai một đám mây riêng sẽ làm giảm cả chi phí mua sắm thiết bị và chi phí hoạt động, tiết kiệm nhiều hơn về mọi mặt so với hệ thống lưu trữ truyền thống.

Bên cạnh đó, khả năng hỗ trợ ảo hóa cho bất kỳ hệ thống lưu trữ chuyên dụng nào sẽ cho phép các nhà CNTT tự do chọn lựa nhà cung cấp cũng như hỗ trợ các máy chủ thông dụng và các mảng lưu trữ không đồng nhất. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà quản lý CNTT có thể sử dụng các công cụ quản lý mà họ đã quen thuộc, nhờ đó loại trừ sự tốn kém không cần thiết cho việc đào tạo sử dụng các hệ thống và thiết bị mới.

Vì vậy, bằng việc tận dụng những cách tân trong kiến trúc lưu trữ kết hợp cả phần cứng thông dụng với phần mềm lưu trữ có giá trị cao, các doanh nghiệp giờ đây có thể tạo ra nhiều kiến trúc lưu trữ theo tệp tin như điện toán đám mây hứa hẹn đem lại. Với nền tảng này, các tổ chức có thể giảm thiểu các chi phí quản lý và vận hành hệ thống lưu trữ nhờ triển khai sử dụng lưu trữ trên đám mây.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét